Phân tích quan điểm của Hồ Chí Minh về chuẩn mực đạo đức “Trung với nước – hiếu với dân” và chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”

Phân tích quan điểm của Hồ Chí Minh về chuẩn mực đạo đức “Trung với nước – hiếu với dân” và chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”


- Trung với nước, hiếu với dân
Trong mối quan hệ đạo đức thì mối quan hệ giữa mỗi người với đất nước, với nhân dân, với dân tộc là mối quan hệ lớn nhất. Trung, hiếu là phẩm chất đạo đức quan trọng nhất, bao trùm nhất.
+ Trung, hiếu là những khái niệm đã có trong tư tưởng đạo đức truyền thống Việt Nam và phương Đông, song có nội dung hạn hẹp, phản ánh bổn phận của dân đối với vua, con đối với cha mẹ: “Trung với vua, hiếu với cha mẹ”.
+ Hồ Chí Minh đã mượn khái niệm cũ và đưa vào nội dung mới: “Trung với nước, hiếu với dân”, tạo nên một cuộc cách mạng trong quan niệm về đạo đức.
Trung với nước là tuyệt đối trung thành với sự nghiệp dựng nước và giữ nước, trung thành với con đường đi lên của đất nước; là suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì CNXH, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
Trung với nước phải gắn liền hiếu với dân. Vì nước là nước của dân, còn nhân dân là chủ của đất nước. Đây là chuẩn mực đạo đức có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Hiếu với dân thể hiện ở chỗ thương dân, tin dân, gắn bó với dân, kính trọng và học tập nhân dân, lấy dân làm gốc, phục vụ nhân dân hết lòng.
Đối với cán bộ lãnh đạo, Hồ Chí Minh yêu cầu phải nắm vững dân tình, hiểu rõ dân tâm, thường xuyên quan tâm cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí.
- Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư
Đây là những phẩm chất đạo đức gắn liền với hoạt động hàng ngày của con người. Hồ Chí Minh cũng dùng những phạm trù đạo đức cũ, lọc bỏ những nội dung lạc hậu, đưa vào những nội dung mới đáp ứng nhu cầu cách mạng.
+ Cần là lao động cần cù, siêng năng, lao động có kế hoạch, sáng tạo năng suất cao; lao động với tinh thần tự lực cánh sinh, không lười biếng, không ỷ lại, không dựa dẫm.
+ Kiệm là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì giờ, tiết kiệm tiền của của nhân dân, của đất nước, của bản thân mình. Tiết kiệm từ cái nhỏ đến cái to; “Không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”[1], nhưng không phải là bủn xỉn. Kiệm trong tư tưởng của Người còn đồng nghĩa với năng suất lao động cao.
+ Liêm là “luôn luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân; không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của nhà nước, của nhân dân”. Phải trong sạch, không tham lam địa vị, tiền của, danh tiếng, sung sướng.
Không tâng bốc mình. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ. Hành vi trái với chữ liêm là:... cậy quyền thế mà đục khoét, ăn của dân, hoặc trộm của công làm của riêng. Dìm người giỏi, để giữ địa vị và danh tiếng của mình là trộm vị. Gặp việc phải, mà sợ khó nhọc nguy hiểm, không dám làm là tham uý lạo. Cụ Khổng nói: người mà không liêm, không bằng súc vật. Cụ Mạnh nói: ai cũng tham lợi thì nước sẽ nguy.
+ Chính là không tà, thẳng thắn, đứng đắn đối với mình, với người, với việc.
Đối với mình, không tự cao, tự đại, luôn chịu khó học tập cầu tiến bộ, luôn kiểm điểm mình để phát huy điều hay, sửa đổi điều dở.
Đối với người, không nịnh hót người trên, xem khinh người dưới; luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, không dối trá, lừa lọc.
Đối với việc, để việc công lên trên việc tư, làm việc gì cho đến nơi, đến chốn, không ngại khó, nguy hiểm, cố gắng làm việc tốt cho dân cho nước.
Theo Hồ Chí Minh, Cần, kiệm, liêm, chính là “tứ đức” không thể thiếu được của con người. Người viết:
“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc
Người có bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính
Thiếu một mùa thì không thành trời
Thiếu một phương thì không thành đất
Thiếu một đức thì không thành người”.
 Bác cũng nhấn mạnh: Cần, kiệm, liêm, chính càng cần thiết đối với người cán bộ, đảng viên. Nếu đảng viên mắc sai lầm thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, nhiệm vụ của cách mạng. Cần, kiệm, liêm, chính còn là thước đo sự giàu có về vật chất, vững mạnh về tinh thần, sự văn minh của dân tộc. “Nó” là cái cần thiết để “làm việc, làm người, làm cán bộ, để phụng sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”.
+ Chí công vô tư là ham làm những việc ích quốc, lợi dân, không ham địa vị, không màng công danh, vinh hoa phú quý; “phải lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ (tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc).
Thực hành chí công vô tư là nêu cao chủ nghĩa tập thể, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân chỉ biết đến mình, muốn “mọi người vì mình”. Nó là giặc nội xâm, còn nguy hiểm hơn cả giặc ngoại xâm.
Hồ Chí Minh viết: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Người cũng phân biệt lợi ích cá nhân và chủ nghĩa cá nhân.
Chí công vô tư là tính tốt có thể gồm 5 điều: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là để người cách mạng vững vàng qua mọi thử thách : “Giàu sang không quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”.



1. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tập 5, tr.636 

Popular posts from this blog

Tại sao nói đến năm 1930, tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam được hình thành về cơ bản

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở quê em (Thác Giang Điền)