Tại sao nói đến năm 1930, tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam được hình thành về cơ bản

Tại sao nói đến năm 1930, tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam được hình thành về cơ bản


Thời kỳ 1921 – 1930: là thời kỳ hình thành tư tưởng cơ bản về cách mạng Việt Nam của Hồ Chí Minh. Thời kỳ này Hồ Chí Minh có những hoạt động rất tích cực và đầy hiệu quả cả trên bình diện thực tiễn và lý luận.
- 1921-1923: Nguyễn Ái Quốc hoạt động với cương vị Trưởng tiểu ban Đông Dương trong Ban nghiên cứu thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp; tham dự Đại hội I, II của đảng này, phê bình Đảng chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề thuộc địa; Thành lập Hội liên hiệp thuộc địa và xuất bản báo Le Paria nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, mục đích của báo là đấu tranh “giải phóng con người”. Tư tưởng về giải phóng con người xuất hiện từ rất sớm và sâu sắc ở Nguyễn Ái Quốc.
- 1923-1924: Người sang Liên Xô tham dự Hội nghị Quốc tế nông dân, tận mắt chứng kiến những thành tựu về mọi mặt của nhân dân Liên Xô. Năm 1924, Người tham dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản và các Đại hội Quốc tế thanh niên, Quốc tế Cứu tế đỏ, Quốc tế Công hội đỏ. Thời gian ở Liên Xô tuy ngắn nhưng những thành tựu về kinh tế-xã hội trên đất nước này đã để lại trong Người những ấn tượng sâu sắc.
- Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc tới Quảng Châu thực hiện một số nhiệm vụ do Đoàn chủ tịch Quốc tế nông dân giao phó.
Khoảng giữa 1925, Người sáng lập “Hội Việt Namcách mạng thanh niên”, ra báo Thanh niên, mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam. Năm 1925, tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” được xuất bản tại Pa-ri. Năm 1927, Bác xuất bản tác phẩm “Đường Kách Mệnh”.
- Tháng 2/1930, Nguyễn Ái Quốc chủ trì hội nghị hợp nhất và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Người trực tiếp thảo văn kiện “Chánh cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt”, “Điều lệ vắn tắt” và “Chương trình vắn tắt” của Đảng.
 Những tác phẩm lý luận chủ yếu của Người thời kỳ này như Báo cáo Trung kỳ, Nam kỳ và Bắc kỳ; Bản án chế độ thực dân Pháp; Đường Kách mệnh; Cương lĩnh đầu tiên của Đảng;… cho thấy những luận điểm về cách mạng Việt Nam được hình thành cơ bản. Có thể tóm tắt nội dung chính của những quan điểm lớn, độc đáo, sáng tạo của Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam như sau:
- Cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại mới phải đi theo con đường cách mạng vô sản.
- Cách mạng thuộc địa và cách mạng vô sản ở chính quốc có quan hệ mật thiết với nhau. Phải đoàn kết và liên minh với các lực lượng cách mạng quốc tế.
- Cách mạng thuộc địa trước hết là một cuộc “dân tộc cách mạng”, đánh đuổi đế quốc xâm lược, giành lại độc lập, tự do.
- Giải phóng dân tộc là việc chung của cả dân chúng; phải tập hợp lực lượng dân tộc thành một sức mạnh to lớn chống đế quốc và tay sai. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, phải đoàn kết dân tộc, phải  tập hợp, giác ngộ và từng bước tổ chức quần chúng đấu tranh từ thấp đến cao, bằng hình thức và khẩu hiệu thích hợp.
- Cách mạng trước hết phải có đảng lãnh đạo, vận động và tổ chức quần chúng đấu tranh. Đảng có vững cách mạng mới thành công…

Những quan điểm, tư tưởng cách mạng trên đây của Hồ Chí Minh  trong những năm 20 của thế kỷ XX được giới thiệu trong các tác phẩm của Người, cùng các tài liệu mác-xít khác, theo những đường dây bí mật được truyền về trong nước, đến với các tầng lớp nhân dân Việt Nam, tạo một xung lực mới, một chất men kích thích, thúc đẩy phong trào dân tộc phát triển theo xu hướng mới của thời đại. Nội dung cách mạng giải phóng dân tộc gắn liền với CNXH được Hồ Chí Minh xác định trong “Đường Kách mệnh” và “Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng” đã quy định sự vận động, phát triển của dân tộc Việt Nam từ 1930 đến nay và mãi về sau này. Chính vậy mà khẳng định đến 1930 tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam được hình thành về cơ bản.

Popular posts from this blog

Phân tích quan điểm của Hồ Chí Minh về chuẩn mực đạo đức “Trung với nước – hiếu với dân” và chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở quê em (Thác Giang Điền)